Khó khăn trong tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia dình đợt 2 năm 2024 tại Xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn
23/08/2024
Xã Nậm Tha là một trong 10 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Bàn, với địa bàn trải dài, khó khăn trong việc đi lại, dân số trên 3.000 người và gần 100% là người dân tộc thiểu số sinh sống (chủ yếu là dân tộc dao, mông, tày, ..), xã gồm 7 thôn bản. Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND xã đã ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 8/4/2024 và tổ chức các hoạt động thực hiện Chiến dịch đợt 1 năm 2024, với kết quả chưa cao: Truyền thông tư vấn nâng cao chất lượng dân số được 241/460 người đạt 52% KHCD năm; khám, điều trị phụ khoa cho 105/210 người đạt 50% KHCD năm; thực hiện cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho 145 người, trong đó biện pháp tránh thai lâm sàng là 30/79 đạt 38% KHCD năm.
Nhằm phấn đầu hoàn thành kế hoạch Chiến dịch năm 2024, ngày 22/8/2024, xã Nậm Tha phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn tổ chức Chiến dịch đợt 2 năm 2024 tại trạm y tế xã, trước đó một tuần xã đã tổ chức họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo xã; lập danh sách các đối tượng tham gia Chiến dịch; thực hiện truyền thông, vận động các đối tượng tham gia Chiến dịch tại 7/7 thôn. Trong buổi tổ chức Chiến dịch, trạm y tế đã huy động các cán bộ thực hiện công tác đón tiếp người dân, ghi chép sổ sách, tư vấn, truyền thông và cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại trạm cùng với sự hỗ trợ của 02 cán bộ của trung tâm y tế và có công chức Chi cục Dân số-KHHGĐ tham gia giám sát, kết quả thực hiện trong buổi sáng ngày 22/8 như sau: Truyền thông tư vấn nâng cao chất lượng dân số cho 42 người, khám, điều trị phụ khoa 37 người, thực hiện đặt dụng cụ tử cung cho 4 người.
Cán bộ Trạm Y tế xã Nậm Tha tư vấn về các BPTT cho người dân đến tham gia Chiến dịch
Với kết quả trên, cho thấy chính quyền xã đã chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động trong Chiến dịch tại xã đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn do thiếu phương tiện tránh thai (PTTT) nguồn miễn phí (Thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai, viên uống tránh thai tổng hợp) do nguồn Trung ương không còn cung cấp miễn phí cho các tỉnh trong đó có Lào Cai, đến thời điểm hiện nay các địa phương trong tỉnh chưa bổ sung kinh phí hỗ trợ mua các PTTT còn thiếu này để cấp miễn phí cho người dân. Nguồn xã hội hóa của Trung ương cũng không có các phương tiện tránh thai trên để phân phối. Chính vì vậy để đạt được chỉ tiêu kế hoạch chiến dịch đề ra, trạm y tế đã truyền thông, tư vấn, hướng dẫn người dân có thể chuyển sang dùng biện pháp đặt dụng cụ tử cung miễn phí hiện đang có hoặc tự túc thực hiện từ các nguồn xã hội hóa khác.

Đồng chí Đinh Thị Thúy Hằng - TP. Nghiêp vụ, Chi cục DS-KHHGĐ truyền thông cho người dân trong Chiến dịch tại TYT xã Nậm Tha
Trước những khó khăn trên, trong thời gian tới đề nghị Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn, Trạm Y tế xã Nậm Tha tăng cường hơn tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương các cấp bố trí kinh phí hỗ trợ mua các PTTT đang thiếu để cung cấp miễn phí cho người dân, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tốt Chiến dịch đợt 2 năm 2024 trên địa bàn, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Chiến dịch năm 2024./.
Đinh Thị Thúy Hằng - CCDS-KHHGĐ