image banner
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Mênh mang lời ru buồn

Chớm thu. Thời khắc giao mùa những đám mây đen vần vũ trên bầu trời xanh mát nhằm cướp đi cái nắng dịu nhẹ thơ ngây để tìm tới những cơn gió, mang hơi lạnh từ phương Bắc thổi về. Chạy theo con đường nhỏ đến thôn Lử Chồ xã Lùng Phìn, huyện Bắc Hà. Từ dưới chân núi nhìn lên với rất nhiều ruộng bậc thang chạy khắp các ngọn đồi uốn lượn, nép mình dưới sườn núi. Màu xanh của những vạt rừng đan xen cùng màu vàng của lúa chín vẽ nên một bức tranh rất đẹp. Thế nhưng đối lập với khung cảnh núi non hữu tình ấy, những mái nhà lưng chừng núi ẩn chứa biết bao câu chuyện buồn quanh những thiếu nữ chưa kịp lớn đã là vợ, là mẹ. Theo hướng dẫn của bạn Huyền cán bộ phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trạm y tế xã chúng tôi đến gia đình em Ma Thị Sênh sinh năm 2007. 

anh tin bai

Tuyên truyền về các chính sách dân số cho người dân vùng dân tộc thiểu số

Khi đang học lớp 9, bên cạnh việc học tập Sênh thường xuyên lướt mạng xã hội để cập nhật những trạng thái mới và trò chuyện với bạn bè. Thế rồi, mạng xã hội là “bà mối” đưa đẩy Sênh đến với Quốc Anh học cùng khối. Sau một thời gian nhắn tin qua lại, gặp gỡ cả hai quyết định về chung một nhà. Để có thể về với nhau, cả hai đều không tránh khỏi sự ngăn cản của gia đình cùng lời động viên, khuyên nhủ của cán bộ y tế xã và nhà trường. Thế nhưng vì tình yêu hai em vẫn quyết tâm về sống chung mặc sự ngăn cấm, khuyên nhủ của mọi người. Rồi Sênh mang thai khi vừa tròn 15 tuổi, đứa bé sinh ra khi bố mẹ vẫn còn là những đứa trẻ vì vậy không thể tránh được sự vụng dại trong việc chăm sóc con… hằng ngày đối mặt với cuộc sống vất vả, thiếu thốn đủ bề, bà mẹ trẻ con này mới thấy hối hận. Sênh rơm rớm nước mắt tâm sự “Em hối hận rồi, vì mình lấy chồng sớm quá. Bây giờ cho em được chọn lại em sẽ không đi lấy chồng nữa, sẽ đi học như các bạn”. Hối hận có lẽ cũng là suy nghĩ chung của không ít những lứa đôi kết hôn từ khi chưa đủ tuổi.  Em Giàng Seo Pao lấy vợ được 03 năm nay, vợ Pao ở mãi Sơn La, hai người quen nhau qua mạng xã hội. Sau một thời gian nói chuyện, cả hai quyết định lấy nhau. Do khoảng cách xa xôi, lần đầu gặp vợ cũng là lần em đi đón dâu. Lấy nhau khi chưa trưởng thành nên có nhiều việc không biết làm. Vì vậy khi sinh đứa đầu do vợ Pao thiếu kiến thức chăm sóc bản thân và nuôi con nên con em ốm đau triền miên, mỗi lần đưa con đi điều trị bệnh tốn kém rất nhiều tiền Pao lại mong thời gian có thể quay trở lại, em sẽ đợi vợ đủ tuổi cơ thể, hiểu biết kiến thức làm vợ, làm mẹ hơn thì con cái khi sinh ra sẽ không bị suy dinh dưỡng, không ốm đau, bệnh tật.

Thực trạng đáng buồn

Tổng số trẻ mới sinh ra của các huyện, thị xã, thành phố tính đến 30/11/2023 là 9.994 trẻ; số trẻ sinh ra là con của phụ nữ dưới 20 tuổi là 1.873;  tăng 183 trẻ so cùng kỳ. Huyện có tỷ lệ trẻ sinh ra là con của phụ nữ dưới 20 tuổi cao nhất là Bắc Hà là 28,16%; trẻ sinh ra là con của phụ nữ dưới 20 tuổi người dân tộc thiểu số chiếm 95,36%, trong đó cao nhất là dân tộc Mông là 61,88%Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do những năm gần đây với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ thời 4.0. Thông qua mạng xã hội, những mối quan hệ nhanh chóng được mở rộng, vượt ra khỏi không gian nhỏ hẹp của thôn, bản. Ngày trước, nam nữ thanh niên còn mất thời gian đi chơi qua lại để tìm hiểu, bây giờ “công đoạn” này được rút ngắn rất nhiều. Chỉ cần qua bạn bè, người thân, kết nối Zalo, gọi điện tán tỉnh, rồi à ơi những lời yêu đương, gửi hình ảnh cho nhau. Khi ưng nhau thì “chuyện đã rồi”.  Không chỉ có vậy, việc phụ nữ tuổi vị thành niên sinh con còn để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những người mẹ ở tuổi vị thành niên hầu hết chưa có việc làm, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn phụ thuộc vào gia đình dẫn đến nhiều trường hợp ly hôn khi về ở với nhau trong thời gian ngắn. Do tuổi đời còn trẻ, thời gian sinh sản dài dẫn đến sinh nhiều con, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và là nguyên nhân gây ra đói nghèo. Trẻ được sinh ra có nguy cơ chậm phát triển, suy dinh dưỡng nên hay ốm đau, thậm chí bệnh tật khiến chi phí cho khám, chữa bệnh nhiều hơn.

Để lời ru “không còn buồn”

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở các địa phương, năm 2023, Lào Cai đặt mục tiêu không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; giảm 30% số vụ tảo hôn; giảm 30% phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022.

anh tin bai

Học sinh trường THCS xã xã Lùng Phình cùng cán bộ trạm y tế xã 

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục duy trì, xây dựng các mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và giảm số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con. Bên cạnh đó, Lào Cai tăng cường đổi mới các hoạt động tại mô hình để thu hút nhân dân tham gia, nhất là phụ nữ, các thanh thiếu niên và cha mẹ có con là thanh thiếu niên. Tỉnh cũng duy trì thực hiện 17 mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gắn với thực hiện “Dân vận khéo về cải tạo tập quán lạc hậu”. 

 

Hồng Loan - Hồng Tấm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai